Đàn Ông Gia Trưởng

Thỉnh thoảng tôi gặp một số bình luận nói rằng tính cách của tôi gia trưởng. 

Hmm….

Tự nhận xét bản thân, tôi không phải kiểu đàn ông gia trưởng, nhưng tôi có thể hiểu tại sao có người nghĩ tôi như vậy. Đôi khi sự cứng rắn và thẳng thắn có thể bị đánh đồng là gia trưởng.

Vậy như thế nào là gia trưởng?

Theo định nghĩa của tôi thì một người đàn ông có tính cách gia trưởng là người đàn ông áp đặt suy nghĩ của mình lên suy nghĩ của người khác bằng cách tự cho mình cái quyền là bậc bề trên.

Ok, ok, tôi biết nó có hơi rắc rối 1 chút. Nhưng tôi sẽ giải thích.

Chúng ta thường thấy mẫu đàn ông gia trưởng xuất hiện ở đâu là nhiều nhất?

Yep, chính xác, những người cha trong gia đình. Một người bố gia trưởng sẽ cho mình cái quyền được quyết định cuộc sống của con cái như nó sẽ phải học trường gì, lấy vợ năm bao nhiêu tuổi. Suy nghĩ của họ là "tao là bố mày, tao đẻ ra mày thế nên tao có quyền quyết định cuộc đời mày."

Vậy trong mối quan hệ thì sao? 

Đàn ông gia trưởng sẽ có xu hướng coi phụ nữ là một sinh vật thấp kém hơn, thế nên họ cho rằng mình có quyền được ra lệnh và yêu cầu phụ nữ làm những điều họ muốn. Suy nghĩ của họ là "vì tôi kiếm nhiều tiền hơn cô, tôi có bằng cấp nhiều hơn cô, tôi là trụ cột gia đình thế nên tôi thông minh hơn cô và cô phải nghe theo những gì tôi nói”.

Vấn đề với tính cách gia trưởng là bởi vì người gia trưởng độc đoán nên đôi lúc nó bị nhầm lẫn là tính quyết đoán, tự tin. Nhưng sự khác biệt là rất lớn.

Trong khi người gia trưởng có xu hướng xâm phạm giới hạn của người khác thì người tự tin lại tìm cách duy trì giới hạn của bản thân nhưng đồng thời tôn trọng giới hạn của người khác.

Ví dụ 1 người cha đối xử với con mình, một người bố gia trưởng sẽ bắt con phải học trường Y và không được thắc mắc. Bất kỳ mong muốn nào của con cái mà trái với ý muốn của anh ta như học trường luật, học trường nhạc đều là những suy nghĩ ngu ngốc và một tư tưởng chống đối.

Một người đàn ông tự tin có thể vẫn muốn con mình sẽ học trường Y, anh ta sẽ phân tích lý do tại sao học trường Y lại là sự lựa chọn tốt nhất cho con, vì gia đình có điều kiện, vì quen biết, vì bla bla bla….nhưng…ông sẽ không bao giờ bắt con mình phải học trường Y, nó có thể chọn học trường múa tuỳ thích và ông sẽ không ép nó phải thay đổi suy nghĩ của mình.

Ở trong một mối quan hệ, đàn ông gia trưởng có xu hướng coi thường mọi ý kiến của phụ nữ, anh bắt ép cô phải sống theo cách mà anh ta muốn. Ví dụ như cấm việc ăn mặc hở hang, cấm giao thiệp với bạn bè khác giới, nếu cô làm sai, anh ta quát nạt, mắng mỏ và gọi cô là ngu ngốc. Một số có thể đi đến tư tưởng cực đoan và dẫn đến những hành vi ngược đãi như đánh đập, xúc phạm nhân phẩm.

Đàn ông tự tin có thể vẫn không thích người phụ nữ bên cạnh mình ăn mặc hở hang nhưng anh không bắt ép cô thay đổi, anh chỉ đơn giản là vạch ra một ranh giới giữa những điều anh chấp nhận và không chấp nhận. Anh sẽ nói rằng “Đây là những điều anh không chấp nhận, em có thể dừng làm chúng hoặc chúng ta không nên ở bên cạnh nhau”.

Vấn đề lớn với tính cách gia trưởng này là nó có xu hướng di truyền hoặc lây lan. Những đứa con trai thường vô thức học tập tính cách gia trưởng này từ bố. Những người đàn ông học hỏi tính gia trưởng từ lẫn nhau. Họ có một cái nhìn chung rằng phụ nữ và những người vị thế thấp hơn mình nên được kiểm soát và áp đặt.

Ờ...Nhưng nếu như bạn thấy mình không hề gia trưởng nhưng người khác lại nói bạn gia trưởng thì sao?

Có 2 trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp thứ 1: Đúng là bạn có tính cách gia trưởng.

Và như bao tính cách xấu khác, con người hiếm khi tự nhận thức, chứ chưa nói đến việc dám thừa nhận cái xấu của mình.

Trường hợp thứ 2: Có thể bạn không gia trưởng nhưng hoàn cảnh đẩy bạn vào tình thế phải áp đặt quyết định.

Tôi lấy ví dụ. Để trở thành người lãnh đạo, người dẫn dắt, bạn cần phải quyết đoán. Sự quyết đoán đòi hỏi bạn phải ra quyết định mà bạn cho là tối ưu nhất, dĩ nhiên, lựa chọn tối ưu đối với bạn không có nghĩa là nó tối ưu với tất cả mọi người. Trong trường hợp này, dù bạn không muốn áp đặt nhưng vì lợi ích chung của tập thể, bạn phải ra quyết định.

Giả sử bạn cùng một nhóm cấp dưới muốn đi trưa. Có tất cả 5 nhà hàng trong vùng, mỗi nhà hàng có những món ăn độc đáo riêng, với mức giá cũng khác nhau. Trong nhóm của bạn có người muốn đi nhà hàng số 1, người muốn đi nhà hàng số 2, người muốn đi 3 4 5. Vậy với tư cách một người trưởng nhóm, một người có quyền quyết định cao nhất, bạn sẽ làm gì?

Tất nhiên bạn không thể chiều lòng tất cả mọi người, bạn phải đưa ra 1 lựa chọn mà bạn cho là hợp lý nhất, đó là 1 nhà hàng có đủ đồ ăn ngon nhưng mức giá hợp lý cho tất cả mọi người.

Bạn sẽ nói rằng, "hôm nay chúng ta sẽ đi ăn ở nhà hàng số 3, đó là một nhà hàng tốt”.

Trong trường hợp này, những người không hài lòng với nhà hàng số 3 có thể coi bạn là gia trưởng, áp đặt quyết định.

Vì thế, trong nhiều tình huống, bạn có gia trưởng hay không phụ thuộc vào góc nhìn của người khác nữa.

Khi tôi chia sẻ cho bạn những điều tôi cho là có ích với bạn, một số người sẽ xem và nghĩ “Ồ, đây là những điều tốt, mình có thể học tập”. Một số khác sẽ xem và nghĩ “Thằng cha này đang cố gắng bắt mình phải sống theo lối sống của nó. Nó nghĩ nó là ai chứ? Tên khốn nạn gia trưởng”.

Cá nhân tôi sẽ không biện minh gì cho bản thân cả bởi vì dù sao đi nữa, bạn cũng sẽ chỉ nhìn thấy thứ mà bạn muốn nhìn, còn tôi chỉ đơn giản là một gã đàn ông chia sẻ những điều mình muốn chia sẻ ;).

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *